Tin tức

Bảo vệ đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ của TS. Phạm Thị Thu - Giảng viên Khoa Giáo dục mầm non

25 Tháng Năm 2024          505 lượt xem

 NCE  Chiều ngày 21/05/2024, tại phòng Giao ban tầng 2 (nhà A) - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, TS. Phạm Thị Thu - Giảng viên Khoa Giáo dục mầm non đã bảo vệ thành công đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Thiết kế các hoạt động phát triển kĩ năng đọc, viết cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi” (Mã số: B2022-CM1-1) theo Quyết định số 1206/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành ngày 24 tháng 4 năm 2024.


Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Thiết kế các hoạt động phát triển kĩ năng
đọc, viết cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi” (Mã số: B2022-CM1-1)

Hội đồng đánh giá đề tài gồm 7 thành viên: Chủ tịch Hội đồng: PGS.TS. Trần Thành Nam -  Trường ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội; Thư ký Hội đồng: ThS. Trần Thị Bích Hạnh - Trường CĐSP Trung ương; Phản biện 1: TS. Vũ Thị Ngọc Minh - Viện Khoa học GD Việt Nam; Phản biện 2: TS. Lê Thị Kim Cúc - Trường CĐSPTW; Ủy viên: TS. Hoàng Thị Nho - Trường ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia HN; Uỷ viên: TS. Trịnh Văn Tùng - Trường CĐSPTW; Uỷ viên: PGS.TS. Nguyễn Thu Hương - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.


Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Phạm Thị Thu đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài

Đọc, viết của trẻ mầm non đã trở thành mối quan tâm học thuật quan trọng trong lí thuyết và nghiên cứu thực hành trên thế giới. Ở Việt Nam, đây là chủ đề được luận bàn nhưng không có nhiều khảo sát và nghiên cứu kĩ lưỡng, cùng với sự thiếu vắng kết nối giữa dịch thuật, nghiên cứu lí thuyết và thực hành, những e dè trong tiếp cận và thử nghiệm các hoạt động phát triển kĩ năng đọc, viết cho trẻ em.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu tại các trường mầm non tư thục, công lập, thực hành ở thành phố, nông thôn, dân tộc thiểu số như Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Bình, Kon Tum cho thấy: kĩ năng đọc, viết của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi theo “Thang đánh giá quốc tế về Phát triển và Giáo dục trẻ từ sớm” (Save the Children, phiên bản tiếng Việt năm 2015) và kĩ năng tổ chức các hoạt động phát triển kĩ năng đọc, viết cho trẻ của giáo viên mầm non còn nhiều hạn chế. Một mặt, hiện tượng phát triển kĩ năng đọc, viết cho trẻ theo hướng tiểu học hoá đang tạo ra sự căng thẳng và nhiều hệ lụy không mong muốn cho cả giáo viên và trẻ. Một mặt khác, giáo viên thực hiện việc thu hẹp quá mức các hoạt động phát triển kĩ năng đọc, viết theo chương trình Giáo dục mầm non quốc gia, khiến trẻ thiếu hụt những kĩ năng cần thiết để chuyển tiếp lên lớp 1.

 Đề tài đã thiết kế được 83 hoạt động theo hướng vui chơi, trải nghiệm và liên thông với tiểu học, giúp nâng cao năng lực đọc, viết và chuẩn bị cho trẻ 5 - 6 tuổi sẵn sàng vào lớp 1. Thực nghiệm đã được tiến hành tại trường mầm non 20/10 - Quận Hoàn Kiếm. TP Hà Nội và Trường Mầm non thực hành Hoa Sen, cho thấy tính khả thi trong triển khai thực tế: Trẻ hào hứng, thích thú tham gia các hoạt động; Giáo viên sử dụng dễ dàng và thuận tiện;  Kĩ năng đọc, viết của trẻ tăng lên, đặc biệt là nhận thức âm vị - một nội dung quan trọng giúp trẻ phát triển năng lực đọc, viết tốt ở các cấp học cao hơn.

Các kết quả của đề tài đã được công bố ở các tạp chí khoa học uy tín: 01 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế Indonesian Journal of Early Childhood Education Studies, 03 bài báo đăng trên tạp chí trong nước. Các sản phẩm khoa học ứng dụng bao gồm: 02 băng hình  minh họa, 83 hoạt động và Tài liệu hướng dẫn giáo viên tổ chức phát triển kĩ năng đọc, viết cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi. Sản phẩm đào tạo là 01 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn theo hướng nghiên cứu của đề tài tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đặc biệt, bộ học liệu được thiết kế giúp giáo viên tổ chức hoạt động nhận thức âm vị theo đúng bản chất ngôn ngữ tiếng Việt, nếu được chuyển giao thành công trong thời gian tới sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ trẻ chuyển tiếp lên lớp 1.

Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, như: Bổ sung cơ sở lí luận và thực tiễn về đọc, viết cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi; Sử dụng tốt vào việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tổ chức các hoạt động phát triển kĩ năng đọc, viết cho trẻ mẫu giáo; Phổ biến kiến thức cho phụ huynh và cộng đồng; Giúp trẻ chuyển tiếp lên lớp 1 tự tin, vững vàng và cung cấp một nền tảng mạnh mẽ cho sự thành công học thuật trong tương lai và học tập trọn đời của trẻ. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của đề tài còn có ý nghĩa lớn đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc biên soạn và ban hành Dự thảo Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi cũng như Chương trình giáo dục mầm non mới của Việt Nam theo định hướng tiếp cận năng lực và liên thông với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.


TS. Trịnh Thị Xim - Phó Bí thư Đang ủy, Phó Hiệu trưởng Trường CĐSPTW, Phòng Khoa học
công nghệ - Hợp tác quốc tế và PGS.TS Trần Thành Nam  - Chủ tịch Hội đồng chúc mừng
TS. Phạm Thị Thu - Giảng viên Khoa Giáo dục mầm non cùng nhóm nghiên cứu

NCE - tháng 5/2024

Thông tin website

TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM TRUNG ƯƠNG
+ Cơ quan chủ quản: Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
+ Giấy phép số 39/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21/08/2015.
+ Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS Trần Đình Tuấn.

Địa chỉ: 387 Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy - Hà Nội.
Điện thoại: (024) 37564230.
Email: cdsptw@cdsptw.edu.vn; nce@cdsptw.edu.vn
Website: http://www.cdsptw.edu.vn

Ghi rõ nguồn "CDSPTW.EDU.VN" khi phát hành lại thông tin từ website này.