PHÒNG THÔNG TIN - TRUYỀN THÔNG
(NCE) Thực hiện Dự án học tập cho mọi trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và kế hoạch của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (CĐSPTW) về việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2019, ngày 18/10/2019, Trường CĐSPTW đã tổ chức Hội thảo khoa học “Trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật trong đào tạo giáo viên”. Tham dự Hội thảo có TS. Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế: Ông Nguyễn Minh Nhật - Cán bộ giáo dục tổ chức Unicef tại Việt Nam; PGS. TS. Lise Charlotte Sanders Olesen - Đại học Absalon (Đan Mạch); TS. Kim Sam Sung - Đại học Busan (Hàn Quốc),...
Đại biểu, Đại diện tổ chức Unicef Việt Nam, các chuyên gia trong nước và
quốc tế tham dự Hội thảo khoa học
Về phía Trường CĐSPTW có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Đình Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Trịnh Thị Xim - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Đảng ủy viên, lãnh đạo các đơn vị trong trường. Đặc biệt, Hội thảo khoa học “Trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật trong đào tạo giáo viên” đã nhận được sự quan tâm tham gia của các lãnh đạo quản lý, giảng viên, giáo viên đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên,… các Viện nghiên cứu, Trung tâm Giáo dục đặc biệt, chuyên biệt, Trường Mầm non khắp các tỉnh thành trên cả nước về tham gia Hội thảo.
PGS.TS. Trần Đình Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu đề dẫn khai mạc
Hội thảo khoa học “Trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật trong đào tạo giáo viên”
PGS.TS. Trần Đình Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực tham gia thực thi các cam kết ở cấp quốc tế, khu vực và cấp địa phương trong nhiều công ước về bảo vệ quyền của người khuyết tật ở mọi lứa tuổi như: Cam kết của Chính phủ trong triển khai Chương trình hành động Thiên niên kỷ Biwako hướng tới một xã hội hòa nhập, không rào cản, vì quyền của người khuyết tật tại Châu Á - Thái Bình Dương,... Việt Nam đã phát triển khung pháp lý vững vàng để hỗ trợ hoạt động giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật như Luật người khuyết tật, các văn bản pháp lý được ban hành mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục hòa nhập và tham gia vào các hoạt động xã hội của người khuyết tật một cách bình đẳng. Hiện nay, công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật đã và đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, định hướng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của người khuyết tật trên đất nước Việt Nam".
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật trong đào tạo giáo viên”
tại Hội trường Đa chức năng - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học, các chuyên gia, các nhà khoa học đã trình bày 08 tham luận tập trung vào 3 nội dung chính “Hoạt động và các loại trị liệu âm nhạc”, “Trị liệu âm nhạc và trị liệu rối”, “Chương trình trị liệu âm nhạc” cho trẻ khuyết tật trong đào tạo giáo viên đã áp dụng hiệu quả tại Hoa Kỳ, Đan Mạch, Hàn Quốc và Việt Nam. Từ đó phân tích, định hướng phát triển chương trình đào tạo, giáo dục “Trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật trong đào tạo giáo viên” chất lượng cao tại Việt Nam trong thời gian tới.
TS. Lê Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập
đại diện Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo “Trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật trong đào tạo giáo viên” gồm có: TS. Trịnh Thị Xim - Phó Hiệu trưởng; TS. Lê Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập; TS. Nguyễn Ngọc Linh - Trưởng phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế; NCS. Nguyễn Thị Hạnh - Phó trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt Trường CĐSPTW, ThS. Lê Tuấn Đức - Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia; tổ thư ký: Thạc sỹ Phạm Thùy Linh, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Linh - Trưởng Bộ môn thuộc Khoa Giáo dục đặc biệt
ThS. Lê Tuấn Đức - Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia tham luận về
“Trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật - Kinh nghiệm từ chương trình đào tạo quốc tế”
ThS. Lê Tuấn Đức đã phân tích kinh nghiệm từ chương trình đào tạo quốc tế, chương trình giáo dục và đào tạo trị liệu âm nhạc tại Hoa Kỳ và các nước trên thế giới, hướng tới xây dựng chương trình đào tạo trị liệu âm nhạc, phát triển chuyên đề về tâm lý lâm sàng; xây dựng và phát triển khoá học ngắn hạn về trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật.
TS. Lê Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trình bày tham luận
“Thực trạng nhu cầu trị liệu âm nhạc của trẻ khuyết tật và năng lực đáp ứng của các trường học”
Đề cập đến “Thực trạng nhu cầu trị liệu âm nhạc của trẻ khuyết tật và năng lực đáp ứng của các trường học”, TS. Lê Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập (Trường CĐSPTW) đã phân tích nhu cầu trị liệu âm nhạc của trẻ khuyết tật, định hướng phát triển chương trình đào tạo, đánh giá sự phù hợp của giáo dục âm nhạc trong lớp hòa nhập, nhận thức của giáo viên về trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật, từ đó giáo viên ứng dụng trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật.
PGS. TS. Lise Charlotte Sanders Olesen - Đại học Absalon (Đan Mạch) trình bày
tham luận: “Trị liệu âm nhạc - Hoạt động và chương trình trị liệu”
Cũng trong Hội thảo, PGS. TS. Lise Charlotte Sanders Olesen - Đại học Absalon (Đan Mạch), một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt trình bày tham luận: “Trị liệu âm nhạc - Hoạt động và chương trình trị liệu” và khẳng định âm nhạc được sử dụng như một phương pháp hoặc mục tiêu về mối liên hệ giữa âm nhạc và trẻ em. Mặt khác, âm nhạc đóng vai trò tích cực đối với trẻ đặc biệt và có tác động lớn đến cảm xúc và các kỹ năng xã hội.
ThS. Lê Thị Tâm - Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia
tham luận “Giáo dục âm nhạc cho học sinh khuyết tật”
Tham luận:“Giáo dục âm nhạc cho học sinh khuyết tật” của ThS. Lê Thị Tâm - Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia cho biết: “Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia là đơn vị nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có chức năng nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đặc biệt, tư vấn cho các cơ quan chức năng xây dựng, ban hành chính sách. Trong thời gian qua, Trung tâm đã nghiên cứu thử nghiệm và sử dụng âm nhạc tác động đến kỹ năng lắng nghe, nhận thức về âm thanh và tập trung sự chú ý, phát triển giọng nói, lời nói đạt kết quả tích cực trong dạy học đối với trẻ khuyết tật trí tuệ”.
Tham luận: “Sử dụng liệu pháp Rối trong trị liệu cho trẻ khuyết tật”
của TS. Kim Sam Sung - Đại học Busan (Hàn Quốc)
TS. Kim Sam Sung - Đại học Busan (Hàn Quốc), chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, đồng thời Tiến sĩ là người đã dành nhiều tâm huyết và tình cảm đặc biệt với đất nước Việt Nam, đã cho thấy những con rối sẽ giúp cho trẻ có thể thể hiện được những cảm xúc, những suy nghĩ mà trẻ không dễ dàng có thể biểu hiện được bằng lời nói hay hành động trong phần trình bày tham luận “Sử dụng liệu pháp Rối trong trị liệu cho trẻ khuyết tật”. Theo Tiến sĩ, có thể sử dụng con rối trong luyện tập phát âm, hiểu về giới từ, múa rối trị liệu tâm lý, trị liệu vật lý, nâng cao năng lực giải quyết vấn đề cho trẻ. Tuy nhiên, để trẻ sử dụng con rối thành thạo thì trẻ cần phải học được phương pháp làm cho con rối chuyển động và phương pháp giao tiếp.
ThS. Trần Thị Thiệp - Phó Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
tham luận nội dung “Sử dụng các hoạt động âm nhạc và vận động của phần mềm Baby Beast
phát triển kĩ năng nghe vào giao tiếp sớm cho trẻ khiếm thính”
Đề cập tới các nghiên cứu cho thấy, đối với trẻ khiếm thính, việc tổn thương thính giác gây khó khăn trong việc phát hiện, nhận biết, phân biệt, xác định và hiểu các âm thanh. Từ đó ảnh hưởng đến ngôn ngữ, việc phát triển giao tiếp và nhận thức của trẻ. ThS. Trần Thị Thiệp - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với nội dung tham luận “Sử dụng các hoạt động âm nhạc và vận động của phần mềm Baby Beast phát triển kĩ năng nghe vào giao tiếp sớm cho trẻ khiếm thính”, Baby Beats là một phần mềm phát triển kỹ năng nghe và giao tiếp sớm cho trẻ khiếm thính “cấy ốc tai điện tử”, dựa trên các hoạt động âm nhạc và vận động. Tuy nhiên, Baby Beats là phần mềm nước ngoài, do đó khi đưa vào ứng dụng cho trẻ khiếm thính, giáo viên cần phải điều chỉnh phần mềm cho phù hợp với văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.
Nghiên cứu nội dung: “Mô hình can thiệp rối loạn phổ tự kỷ tiên tiến trên thế giới - Mô hình Denver”, TS. BS. Đỗ Thúy Lan - Trung tâm Sao Mai (trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) giới thiệu tại Hội thảo khoa học: “Trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật trong đào tạo giáo viên”, Tiến sĩ chia sẻ: “Với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia học tập ngôn ngữ của trẻ nhỏ mắc chứng tự kỷ, mô hình Denver kết hợp với hoạt động âm nhạc giúp trẻ phát triển kỹ năng, đồng thời nâng cao kỹ năng giúp trẻ sớm hòa nhập bền vững trong cộng đồng”.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Lê Thủy - Cục Trẻ em (Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) giới thiệu
nội dung “Kết nối dịch vụ hỗ trợ và trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí thông qua”
Tham luận “Kết nối dịch vụ hỗ trợ và trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí thông qua”, Chuyên gia tâm lý Hoàng Lê Thủy - Cục Trẻ em (Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) giới thiệu số Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mở ngày 06/12/2017 với mục tiêu thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Trong thời gian qua, Tổng đài 111 đã tham gia đánh giá tâm lý cho nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, buôn bán và bạo hành; đánh giá về trị liệu cho trẻ em tự kỷ, tăng động giảm tập trung, chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ, nhận thức và có các rối nhiễu khác: lo âu, trầm cảm,… đã có nhiều phản hồi tích cực về hiệu quả trị liệu cho trẻ, giúp trẻ hòa nhập tốt với gia đình và môi trường học tập từ các bậc phụ huynh.
Chiều cùng ngày, Hội thảo được chia thành 04 nhóm nội dung hoạt động sôi nổi, hiệu quả:
Nhóm 1: “Các hoạt động và loại trị liệu âm nhạc - Thực hiện tích hợp trong chương trình
can thiệp và hiệu quả” của ThS. Lê Tuấn Đức - Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia.
Nhóm 2: “Sử dụng liệu pháp Rối trong trị liệu cho trẻ khuyết tật”
của TS. Kim Sam Sung và bà Choi Unsil - Trường Đại học Bussan (Hàn Quốc).
Nhóm 3: “Trị liệu âm nhạc - Hoạt động và chương trình”
của PGS. TS. Lise Charlotte Sanders Olesen - Trường Đại học Absalon (Đan Mạch) hướng dẫn.
Nhóm 4: “Các giờ hoạt động trị liệu âm nhạc”, hướng dẫn ThS. Đặng Thị Loan - Giảng viên
Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
TS. Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó Trưởng Ban Thường trực
Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ GD&ĐT)
đánh giá cao nội dung chương trình Hội thảo khoa học
Đánh giá chương trình Hội thảo khoa học, TS. Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ Giáo dục và Đào tạo) biểu dương Hội thảo khoa học “Trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật trong đào tạo giáo viên” của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương về việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và đề cao tinh thần làm việc tập trung, trí tuệ, hiệu quả của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên trong nước. Tiến sĩ đánh giá cao nội dung chương trình Hội thảo khoa học thông qua các nội dung tham luận, trao đổi, góp ý là cơ sở giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng những chiến lược, chương trình hành động cụ thể để phát triển các hoạt giáo dục mầm non, giáo dục đặc biệt, giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cuộc sống và xã hội.
PGS.TS. Trần Đình Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường trao giấy chứng nhận
Hội thảo khoa học “Trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật trong đào tạo giáo viên”
TS. Tạ Ngọc Trí (bên phải); PGS.TS. Trần Đình Tuấn (bên trái)
trao giấy chứng nhận và chụp ảnh lưu niệm
PGS.TS. Trần Đình Tuấn (bên trái) PGS. TS. Lise Charlotte Sanders Olesen (bên phải)
trao giấy chứng nhận và chụp ảnh lưu niệm
Chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo khoa học “Trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật trong đào tạo giáo viên”
Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (ảnh trên và dưới)
Trường CĐSPTW với hơn 55 năm trưởng thành và phát triển đã và đang đào tạo được hơn 1350 giáo viên trình độ cao đẳng phục vụ trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt và giáo dục hòa nhập. Với chương trình đào tạo tiên tiến, chuyên sâu, các em sinh viên được tiếp cận và nắm vững những kiến thức cơ bản, hiện đại về giáo dục đặc biệt, trong đó nhiều sinh viên được tham gia vào các chương trình học bổng học tập tại nước ngoài với môi trường giáo dục tiên tiến của các nước phát triển như Đan Mạch, Singapore, Australia, Hàn Quốc, Hà Lan,... |
NCE - Tháng 10/2019