Tuyển sinh

Các câu hỏi thường gặp trong tuyển sinh năm 2019 (FAQ)

02 Tháng Năm 2019          1585 lượt xem

1. Em đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhưng không thấy Nhà trường gửi giấy báo đến dự thi năng khiếu?

          Trả lời: Cần phân biệt rõ Xét tuyểnThi tuyển là hai qui trình độc lập.

          - Thi tuyển là quá trình chuẩn bị các đầu điểm phục vụ cho Xét tuyển. Có thể đăng ký thi tuyển nhưng không đăng ký xét tuyển (nếu lấy điểm năng khiếu để đăng ký xét tuyển trường khác) hoặc đăng ký xét tuyển nhưng không đăng ký thi tuyển (nếu dự kiến lấy kết quả thi từ trường khác chuyển sang).

          - Để được “xét tuyển” thì cần có đủ các đầu điểm của tổ hợp đăng ký, trong đó nếu đăng ký tổ hợp M00, N00, H00, H01 thì cần có điểm môn năng khiếu. Để có điểm môn năng khiếu phục vụ xét tuyển thí sinh cần: hoặc đăng ký Thi năng khiếu tại Trường hoặc chuyển điểm năng khiếu thi tại trường khác về Trường.

          Như vậy, nếu không thi năng khiếu tại trường khác, một thí sinh đăng ký ngành có năng khiếu cần làm cả 2 hồ sơ Đăng ký thi năng khiếu và Đăng ký xét tuyển.

2. Thời gian và lịch thi năng khiếu đợt 1 như thế nào?

Trả lời: Theo thông báo, lịch thi năng khiếu đợt 1 vào 2 ngày 9, 10/7/2019. Lịch cụ thể (ngày thi từng môn) sẽ được công bố sau khi kết thúc thu hồ sơ đăng ký dự thi, vì còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký.

3. Năm 2019 Trường tổ chức mấy đợt thi năng khiếu, vào thời gian nào?

          Trả lời: Theo dự kiến, chắc chắn có đợt thi năng khiếu tháng 7 năm 2019 để chuẩn bị điều kiện xét tuyển nguyện vọng 1. Nếu kết quả xét tuyển nguyện vọng 1 vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu được giao, Trường sẽ tổ chức các đợt thi năng khiếu tiếp theo.

4. Em đã dự thi năng khiếu năm 2018 tại trường, để xét tuyển năm nay có phải đăng ký thi lại năng khiếu không?

          Trả lời: Kết quả thi năng khiếu chỉ có giá trị sử dụng trong cùng năm tuyển sinh. Do đó để xét tuyển năm 2019 cần phải có kết quả thi năng khiếu tổ chức trong năm 2019, kết quả các năm trước không còn giá trị trong xét tuyển.

5. Em đăng ký dự thi năng khiếu đợt tháng 7 năm 2019 và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 cao đẳng chính qui năm 2019. Nếu không đỗ cao đẳng nguyện vọng 1, em có thể sử dụng kết quả thi năng khiếu đó để xét các đợt bổ sung hoặc xét vào các lớp trình độ trung cấp không?

          Trả lời: Kết quả thi năng khiếu năm 2019 có giá trị sử dụng trong tất cả các đợt tuyển sinh năm 2019. Do đó, nếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung hoặc xét tuyển trung cấp, em không phải thi lại năng khiếu mà sử dụng kết quả đã có của đợt thi đã tham gia.

6. Điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển theo kết quả học tập ở THPT đối với các ngành sư phạm: điểm trung bình cộng xét tuyển từ 6,50 (hay 5,00) trở lên nghĩa là thế nào?

          Trả lời: Nghĩa là lấy điểm trung bình cả năm lớp 12 của các môn trong tổ hợp xét tuyển cộng với điểm thi năng khiếu, chia trung bình, nếu đạt từ 6,50 thì đủ điều kiện nhận hồ sơ để được xét tuyển. Việc trúng tuyển còn phụ thuộc vào điểm trúng tuyển, sẽ thông báo sau khi Trường xét tuyển. Cụ thể với các ngành sư phạm như sau:

- Ngành GDMN, GDĐB (cũng áp dụng với trung cấp Sư phạm Mầm non và liên thông Giáo dục Mầm non):

(Điểm Văn + Điểm Toán + Điểm năng khiếu) /3 >=6,50

- Ngành Sư phạm Âm nhạc:

(Điểm Văn + Điểm Thẩm âm tiết tấu + Điểm Thanh nhạc) /3 >=5,00

- Ngành Sư phạm Mĩ thuật:

(Điểm Văn + Điểm Hình họa + Điểm Bố cục) /3 >=5,00

7. Năm 2019 Nhà trường có tuyển sinh theo học bạ không?

          Trả lời: Nhà trường đã công bố Đề án tuyển sinh năm 2019, trong đó sử dụng hai phương thức xét tuyển: Xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019 và Xét tuyển theo kết quả học tập ở THPT (mà mọi người thường gọi là xét theo học bạ).

          Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành, chương trình đều xét tuyển theo cả 2 phương thức trên, ví dụ chương trình chất lượng cao ngành Giáo dục Mầm non chỉ xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019. Để biết chi tiết, các em cần xem bảng chỉ tiêu xét tuyển trong Thông báo tuyển sinh, có các cột chỉ tiêu của từng phương thức xét tuyển.

8. Cách tính điểm xét tuyển như thế nào?

          Trả lời: Điểm xét tuyển được tính theo từng tổ hợp rồi cộng với điểm ưu tiên.

          Ví dụ với tổ hợp M00:

          - Nếu xét theo điểm thi THPT quốc gia:

Điểm xét tuyển = Điểm thi môn Toán + Điểm thi môn Văn + Điểm thi môn Năng khiếu + Điểm ưu tiên

          - Nếu xét theo học bạ:

Điểm xét tuyển = Điểm TB cả năm lớp 12 môn Toán + Điểm TB cả năm lớp 12 môn Văn + Điểm thi môn năng khiếu + Điểm ưu tiên.

          Mỗi cách xét tuyển sẽ có điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) riêng.

9. Bao giờ thì Trường nhận hồ sơ tuyển sinh?

          Trả lời: Hồ sơ đăng ký liên quan đến tuyển sinh 2019 có các loại:

          - Hồ sơ đăng ký dự thi năng khiếu đợt 1: Nhận hồ sơ đến hết ngày 02/7/2019

          - Hồ sơ đăng ký xét tuyển theo học bạ đợt 1 (ngành sư phạm): Nhận hồ sơ đến hết ngày 02/8/2019.

          - Hồ sơ đăng ký xét tuyển theo điểm thi THPT (ngành sư phạm): thí sinh đăng ký tại trường THPT nơi học lớp 12. Trường không nhận hồ sơ trực tiếp.

          - Hồ sơ đăng ký xét tuyển (ngành ngoài sư phạm): nhận liên tục, khi đủ lớp theo từng ngành sẽ xét tuyển và nhập học.

10. Đợt đăng ký xét tuyển nộp tại trường THPT vừa qua em không đăng ký nguyện vọng vào Trường. Giờ em muốn đăng ký bổ sung vào Trường thì phải làm thế nào?

          Trả lời:

          - Nếu đăng ký xét theo kết quả thi THPT Quốc gia: em vẫn còn cơ hội đổi hoặc bổ sung nguyện vọng vào thời gian từ 22/7/2019 đến 31/7/2019 (trực tuyến trên tài khoản thi THPT của thí sinh hoặc đăng ký bằng bản giấy tại các Sở GDĐT)

          - Nếu đăng ký xét theo học bạ: thời gian đăng ký đến hết ngày 02/8/2019.

11. Em chưa hiểu các chương trình đào tạo của trường như: Chất lượng cao, Song ngành và Nhu cầu xã hội?

          Trả lời:

          Năm 2019 Nhà trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo 4 ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Theo qui chế đào tạo và được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục Mầm non có các chương trình đào tạo: chất lượng cao, nhu cầu xã hội và song ngành.

          - Chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội là chương trình cơ bản. Sinh viên tốt nghiệp chương trình này được cấp bằng “Giáo dục Mầm non” trình độ cao đẳng hệ chính qui. Khi nhập học, sinh viên cần ký thỏa thuận cam kết đóng góp hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo.

          - Chương trình đào tạo chất lượng cao là chương trình nâng cao của chương trình cơ bản. Chương trình này có một số học phần nâng cao về kiến thức kỹ năng, thời lượng, trình độ của đội ngũ giảng viên giảng dạy, mời thỉnh giảng các chuyên gia và giảng viên nước ngoài. Sinh viên tốt nghiệp chương trình này được cấp bằng “Giáo dục Mầm non” trình độ cao đẳng hệ chính qui, Bảng điểm ghi “Chương trình đào tạo chất lượng cao”.

          - Chương trình đào tạo song ngành là chương trình đào tạo song song hai ngành giữa ngành Giáo dục Mầm non và một ngành khác (năm 2019, Nhà trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo các song ngành Giáo dục Mầm non - Sư phạm Âm nhạc, Giáo dục Mầm non - Sư phạm Mĩ thuật, Giáo dục Mầm non - Giáo dục Đặc biệt, Giáo dục Mầm non - Tiếng Anh). Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng song ngành, ví dụ “Song ngành Giáo dục Mầm non - Giáo dục Đặc biệt”. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trên các lĩnh vực của cả 2 ngành được ghi trên bằng tốt nghiệp, cũng có thể học liên thông lên đại học theo một trong hai ngành.

13. Điểm trúng tuyển THPT và Học bạ năm 2018 như thế nào?

          Trả lời: Điểm trúng tuyển đợt xét nguyện vọng 1 nhóm ngành sư phạm năm 2018 để tham khảo:

Stt

Ngành/chương trình đào tạo

Điểm trúng tuyển theo phương án xét tuyển

Kết quả học tập ở THPT (học bạ)

Điểm thi THPT QG

1

Giáo dục Mầm non

Chương trình Chất lượng cao

Không xét

19,00

2

Giáo dục Mầm non

Chương trình đào tạo theo NCXH

19,50

18,25

3

Giáo dục Mầm non

Chương trình đào tạo song ngành

15,50

Không xét

4

Giáo dục Đặc biệt

15,00

16,80

8

Sư phạm Âm nhạc

15,00

15,00

9

Sư phạm Mĩ thuật

15,00

15,00

 

14. Tại sao trong thông báo tuyển sinh các ngành Tiếng Anh, Hướng dẫn Du lịch, Quản trị Văn phòng... lại căn cứ theo qui chế của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội?

          Trả lời: Từ năm 2017, với trình độ cao đẳng, các ngành không đào tạo giáo viên thuộc sự quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do đó các ngành này (gọi là nhóm ngành thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp) được tuyển sinh và đào tạo theo qui chế của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

15. Em đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học ở trường khác, muốn được học tại trường thì có được ưu tiên gì và thủ tục đăng ký như thế nào?

          Trả lời: Em có thể lựa chọn theo một trong các cách sau:

          - Nếu đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học ngành sư phạm và muốn học thêm ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng: đăng ký tuyển sinh theo Thông báo tuyển sinh văn bằng thứ hai trình độ cao đẳng hệ chính qui ngành Giáo dục Mầm non trên trang thông tin điện tử của Trường. Học theo chương trình này sẽ tiết kiệm về thời gian và chi phí học tập.

          - Nếu đã tốt nghiệp trung cấp Sư phạm Mầm non, có thể đăng ký xét tuyển vào chương trình liên thông ngành Giáo dục Mầm non (mỗi năm tuyển sinh 2 đợt).

          - Nếu không thuộc các trường hợp trên: đăng ký tuyển sinh bình thường như các thí sinh khác. Khi vào học, Nhà trường sẽ xem xét để miễn học một số học phần ở trình độ cao đẳng và đại học mà em đã đạt (căn cứ theo bảng điểm học tập)

16. Em đang đi làm và muốn đăng ký vào học các lớp học cuối tuần, Nhà trường có tuyển sinh các lớp này không?

          Trả lời: Theo qui chế đào tạo, để học và được cấp bằng hệ chính qui sinh viên phải học tập trung vào thời gian các ngày trong tuần. Các lớp học cuối tuần (ngoài giờ hành chính) là các lớp đào tạo theo hệ Vừa làm vừa học. Năm 2019 Trường không tuyển sinh hệ Vừa làm vừa học.

17. Em là thí sinh ở tỉnh xa về Hà Nội dự thi năng khiếu, Nhà trường có chỗ ăn nghỉ trong thời gian thi năng khiếu không?

          Trả lời: Nhà trường có Kí túc xá cho thí sinh và phụ huynh các tỉnh đến đăng ký ở trong thời gian thi năng khiếu. Phòng ở ghép từ 10 đến 12 người (mỗi người 01 giường đơn). Giá thuê 35.000đ/ngày/người (đã bao gồm điện nước sinh hoạt). 

          Chi tiết liên hệ theo số điện thoại: (0243) 7918491 (Phòng 106-A6 Trường CĐSPTW) hoặc 0983.132.624 (thầy Mão).

Thông tin website

TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM TRUNG ƯƠNG
+ Cơ quan chủ quản: Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
+ Giấy phép số 39/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21/08/2015.
+ Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS Trần Đình Tuấn.

Địa chỉ: 387 Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy - Hà Nội.
Điện thoại: (04) 37564230 - (04) 37914850.
Email: cdsptw@cdsptw.edu.vn; nce@cdsptw.edu.vn
Website: http://www.cdsptw.edu.vn

Ghi rõ nguồn "CDSPTW.EDU.VN" khi phát hành lại thông tin từ website này.