Tin tức

Chi bộ Khoa Công nghệ thông tin - Giáo dục nghề nghiệp tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào dạy học và quản lý"

13 Tháng Hai 2025          212 lượt xem

 NCE  Chiều ngày 11/02/2025, Chi bộ Khoa Công nghệ thông tin - Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức thành công buổi sinh hoạt chuyên đề "Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào dạy học và quản lý". Đây là chuyên đề thứ ba trong chuỗi bốn chuyên đề về "Chuyển đổi số" do Chi bộ lựa chọn để tổ chức trong tháng 12/2024 và Quý I năm 2025.

Buổi sinh hoạt nhằm nâng cao nhận thức cho đảng viên, viên chức, người lao động về sự cần thiết của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác giảng dạy và quản lý; giới thiệu cho người tham dự một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong công tác giảng dạy và quản lý.


Toàn cảnh hội nghị sinh hoạt chuyên đề.

Tham dự buổi sinh hoạt có đồng chí Trần Nguyên Hương - Đảng ủy viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy, Bí thư Chi bộ Khoa Công nghệ Thông tin - Giáo dục Nghề nghiệp cùng toàn thể các đảng viên, viên chức, người lao động của hai khoa: Khoa Công nghệ Thông tin - Giáo dục Nghề nghiệp và Khoa Tiếng Anh. Tại buổi sinh hoạt, đồng chí Trần Nguyên Hương - Bí thư Chi bộ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, đặc biệt là sử dụng chuyển đổi số trong công tác giảng dạy, quản lý, kiểm tra và đánh giá.

Tiếp theo, đồng chí Nguyễn Thị Phương - Phó Trưởng Khoa Công nghệ thông tin - Giáo dục nghề nghiệp trình bày báo cáo về "Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào dạy học và quản lý". Trong báo cáo, đồng chí đã chia sẻ các nội dung: Tổng quan về trí tuệ nhân tạo (AI); một số ứng dụng của AI vào 4 nhóm chính: truy vấn (prompt), ứng dụng AI vào nghiên cứu khoa học, ứng dụng AI vào giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và ứng dụng AI trong tạo ảnh/video/audio.


Đồng chí Nguyễn Thị Phương báo cáo tham luận:
"Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác dạy học và quản lý".

Đối với ứng dụng AI trong truy vấn, đồng chí Nguyễn Thị Phương giới thiệu kỹ thuật viết truy vấn, ví dụ như sử dụng Chat GPT trong việc lên kịch bản cho một bài dạy. Đối với ứng dụng AI trong giảng dạy, kiểm tra và đánh giá, với việc tạo bài giảng có thể sử dụng các công cụ như Chat GPT, Gamma, Alayna, Brisk Teaching, Canva; bên cạnh đó, có thể sử dụng các công cụ công nghệ hỗ trợ hiệu quả như Quiz.com, Kahoot, Classtools,… để tạo câu hỏi, trò chơi, kiểm tra đánh giá sinh viên. Đặc biệt, với các học phần cần sử dụng nhiều hình ảnh, video có thể tham khảo, sử dụng tạo kịch bản video/tạo từng phân cảnh video, sau đó ứng dụng ChatGPT, HailuoAI, Runway, Visual Studio để chuyển ảnh thành video hoặc tạo video từ văn bản. Ngoài ra, chuyên đề còn giới thiệu các công cụ AI trong nghiên cứu khoa học như ChatGPT, Gemini, DeepSeek - những công cụ này giúp nâng cao hiệu quả và hỗ trợ giảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.


Giảng viên Phạm Hồng Dương báo cáo tham luận “Những ưu và nhược điểm của việc ứng dụng
AI vào giảng dạy học phần tiếng Anh tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương”.

Tiếp theo, giảng viên Phạm Hồng Dương - Khoa Tiếng Anh và đồng chí Nguyễn Thanh Thủy - Khoa Công nghệ Thông tin - Giáo dục Nghề nghiệp đã có bài tham luận chia sẻ về việc ứng dụng AI tạo video để giảng dạy học phần Tiếng Anh; ứng dụng AI để tạo các phân đoạn và hoàn thiện một bộ phim hoạt hình có thể sử dụng trong giảng dạy các học phần của ngành Giáo dục Mầm non. Các đồng chí cũng chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn, những mặt tích cực và hạn chế của việc ứng dụng AI trong giảng dạy.


Giảng viên Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo
trong xây dựng phim hoạt hình.

Sau phần chia sẻ, nhiều giảng viên tham gia đã bày tỏ sự hứng thú với các công cụ mà đồng chí Nguyễn Thị Phương và giảng viên Nguyễn Thanh Thủy đã giới thiệu.

Trong phần thảo luận, các đồng chí tham dự cũng có nhiều câu hỏi xoay quanh các phần mềm có ứng dụng AI, trao đổi về những mặt tích cực và tiêu cực mà ứng dụng AI mang lại, sử dụng ứng dụng AI trong dạy học thế nào để đạt hiệu quả và đánh giá đúng năng lực của sinh viên, đảm bảo an toàn thông tin của người dùng trên môi trường Internet, v.v.

Buổi sinh hoạt chuyên đề đã mang lại những kiến thức cụ thể và sâu sắc hơn về việc ứng dụng AI trong giảng dạy, quản lý, nghiên cứu khoa học của giảng viên, viên chức, người lao động. Điều này rất quan trọng để giảng viên áp dụng công nghệ vào đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số. Hy vọng rằng trong tương lai, sẽ có thêm các buổi bồi dưỡng chuyên sâu để các giảng viên tiếp tục phát triển năng lực và áp dụng công nghệ một cách hiệu quả hơn.


Đảng viên Chi bộ Khoa Công nghệ Thông tin - Giáo dục Nghề nghiệp.

Kết thúc buổi sinh hoạt, đồng chí Trần Nguyên Hương đã tổng kết các ý kiến trao đổi, khẳng định rằng các công cụ có ứng dụng AI được giới thiệu trong hội nghị có thể áp dụng vào hoạt động dạy học và quản lý ở Nhà trường. Các đồng chí giảng viên cần chủ động tìm hiểu, ứng dụng các công cụ AI trong hoạt động giảng dạy, quản lý một cách hiệu quả; chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá trong bối cảnh có sự tác động lớn của các công cụ trí tuệ nhân tạo.


Đảng viên, viên chức, người lao động Khoa Công nghệ thông tin - Giáo dục nghề nghiệp và
Khoa Tiếng Anh chụp ảnh lưu niệm tại buổi sinh hoạt chuyên đề.

NCE - Tháng 02/2025

Thông tin website

TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM TRUNG ƯƠNG
+ Cơ quan chủ quản: Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
+ Giấy phép số 39/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21/08/2015.
+ Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS Trần Đình Tuấn.

Địa chỉ: 387 Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy - Hà Nội.
Điện thoại: (024) 37564230.
Email: cdsptw@cdsptw.edu.vn; nce@cdsptw.edu.vn
Website: http://www.cdsptw.edu.vn

Ghi rõ nguồn "CDSPTW.EDU.VN" khi phát hành lại thông tin từ website này.