Hội thảo khoa học

Hội thảo khoa học “Chiến lược Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế giai đoạn 2024-2034”

01 Tháng Bảy 2023          1022 lượt xem

PHÒNG THÔNG TIN - TRUYỀN THÔNG

 NCE  Thực hiện nhiệm vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (KHCN-HTQT) năm 2023, sáng ngày 30/6/2023 Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (CĐSPTW) tổ chức Hội Thảo khoa học Chiến lược Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế giai đoạn 2024-2034.

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Bích Thảo - Chuyên viên Vụ Giáo dục mầm non (GDMN) - Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT); PGS. TS. Bùi Thị Lâm - Trưởng khoa GDMN Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN); ThS. Đinh Hiền Minh - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSPTW - Nha Trang và lãnh đạo các đơn vị; TS. Lê Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSPTW TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Anh Tuấn - Trường Đại học Giáo dục (ĐHGD), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN); TS. Đỗ Thi Hương Nhu - Giảng viên Trường Kinh doanh, Đại học Quốc tế RMIT - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Giáo dục Educe Vietnam; TS. Phillip - Chuyên gia quản trị Trường mầm non/STEAMMART, Công ty cổ phần Dịch vụ Giáo dục Educe Vietnam.


Toàn cảnh Hội thảo khoa học“Chiến lược Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế
giai đoạn 2024-2034” 
tại Phòng Hội thảo - Trường CĐSPTW

Về phía Trường CĐSPTW có sự hiện diện của TS. Trịnh Thị Xim, TS. Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Trinh Văn Tùng - Trưởng Phòng KHCN-HTQT và lãnh đạo các Phòng, Khoa, Trung tâm  cùng các thầy cô giáo tham gia viết bài kỷ yếu Hội thảo.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng có đào tạo GDMN và Viện nghiên cứu. 24 bài viết tham gia hội thảo được gửi đến từ ĐHSPHN, ĐHGD-ĐHQGHN, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Đại học Thủ Đô Hà Nội, Đại học RMIT, Trường CĐSPTW, Trường CĐSPTW - Nha Trang, Trường CĐSPTW TP. Hồ Chí Minh, với nhiều chủ đề khác phong  phú của các nhà sư phạm giàu kinh nghiệm và tâm huyết với giáo dục mầm non.

TS. Nguyễn Thị Bích Thảo - Chuyên viên Vụ GDMN Bộ GĐ&ĐT phát biểu chỉ đạo từ phía Bộ GD&ĐT: “Hoạt động nghiên cứu khoa học trong bối cảnh sự phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, GDMN cũng đang được tiếp cận mọi hoạt động. Ứng dụng công nghệ thông tin trong GDMN là một trong những hình thức nhanh nhất trong giáo dục trẻ, trẻ không trực tiếp học online nhưng chúng ta phối hợp với cha mẹ trẻ để phát triển trẻ toàn diện, điều này đã thấy rõ sau giai đoạn dịch vừa qua. Hội thảo đã quy tụ đội ngũ chuyên gia trong nước và quốc tế của các trường đại học lớn và chúc cho Nhà trường tiếp tục tổ chức được nhiều chương trình có ý nghĩa như thế này, mở rộng hơn ở quy mô địa phương”.


TS. Nguyễn Thị Bích Thảo - Chuyên viên Vụ GDMN, Bộ GĐ&ĐT phát biểu chỉ đạo

TS. Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSPTW trân trọng ý kiến phát biểu chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đã giúp Trường CĐSPTW trong giai đoạn hiện nay để làm tốt công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phát triển lĩnh vực giáo dục mầm non và giáo dục nghề nghiệp. Ý kiến chỉ đạo của TS. Nguyễn Thị Bích Thảo cũng sẽ giúp cho Nhà trường có định hướng rõ ràng và xây dựng chiến lược triển khai các hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Nhà trường luôn nỗ lực, cố gắng thực hiện các hoạt động được Bộ GD&ĐT giao.


TS. Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSPTW phát biểu tại Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học, các chuyên gia, các nhà khoa học đã trình bày 04 tham luận tập trung vào các nội dung chính Hội thảo đặt ra.

* Báo cáo 1: Một số xu hướng nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non hiện nay do PGS.TS Bùi Thị Lâm Trưởng Khoa GDMN - Trường ĐHSPHN trình bày


PGS.TS. Bùi Thị Lâm - Trưởng Khoa GDMN Trường ĐHSPHN trình bày báo
“Một số xu hướng nghiên cứu khoa học Giáo dục mầm non hiện nay”

Báo cáo của PGS. TS. Bùi Thị Lâm có đề cập đến: Bối cảnh nghiên cứu khoa học (NCKH); các yêu cầu đặt ra đối với NCKH GDMN hiện nay; xu hướng chung trong NCKH GDMN, các chủ đề nghiên cứu phổ biến trong năm 2022. Từ xu hướng nghiên cứu PGS. TS Bùi Thị Lâm nêu ra, đưa chúng ta đến với những câu hỏi:

1) Còn khoảng trống nào về GDMN mà thế giới chưa nghiên cứu hoặc chưa nghiên cứu nhiều, chúng ta có nên quan tâm đến nó ở giai đoạn tới trong các hoạt động nghiên cứu của chung ta?

2) Kết quả nghiên cứu đã cho chúng ta thêm những hiểu biết gì về GDMN và chúng ta có thể tham khảo, vận dụng những kết quả đó trong công việc của chúng ta như thế nào?

3) Chúng ta có cần tiếp tục nghiên cứu những vấn đề tương tự tại đất nước của chúng ta hay không?

* Báo cáo 2“Nhóm nghiên cứu đối với sứ mệnh của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương trong xu thế hội nhập” do TS. Trịnh Thị Xim - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSPTW trình bày


TS. Trịnh Thị Xim trình - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSPTW trình bày báo cáo: “Nhóm nghiên
cứu đối với sứ mệnh của Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương trong xu thế hội nhập”

TS. Trịnh Thị Xim - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSPTW chia sẻ chi tiết về nhóm nhiên cứu, trong đó đề cập đến: Quan niệm về nhóm nghiên cứu, mục tiêu của nhóm nghiên cứu, các vấn đề nghiên cứu nên tập trung trong giai đoạn hiện nau, một số yếu tố  ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu. Báo cáo đã chỉ ra một số công việc trong mảng KHCN mà mỗi Nhà trường cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn tới, những gợi ý để có thể thực hiện các nhiệm vụ KHCN đó. Những chia sẻ có thể là điểm khởi đầu để chúng ta tìm được hướng đi mới trong giai đoạn tới  như:  Trường ĐH, CĐSP phối hợp với các đơn vị trong nước, nước ngoài trong công tác đào tạo GVMN;  phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ sở GDMN trong nghiên cứu chuyển giao công nghệ.

* Báo cáo 3: “Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non” do TS. Đỗ Thị Hương Nhu - ĐH Quốc tế RMIT/GĐ công ty CP dịch vụ Giáo dục Educe Việt Nam trình bày


TS. Đỗ Thị Hương Nhu - ĐH Quốc tế RMIT/GĐ công ty CP dịch vụ Giáo dục Educe Việt Nam
trình bày báo cáo “Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non”

Về nội dung chia sẻ của TS. Đỗ Thị Hương Nhu, ngoài phần trình bày hiểu biết chung về AI, nội dung về Sử dụng AI để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non với các nội dung trọng tâm: Nghiên cứu về AI trong lĩnh vực giáo dục mầm non, các rào cản đối với việc ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục mầm non, một số ứng dụng AI vào lĩnh vực giáo dục mầm non đã đem đến góc nhìn mới mẻ và sâu rộng hơn về giá trị của AI trong công tác đào tạo của các trường sư phạm, chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở GDMN. Thời gian gần đây, những băn khoăn, lo lắng về thị trường việc làm của con người khi AI phát triển sẽ như thế nào. Nhưng người thực tế sẽ gác lại những lo lắng, băn khoăn, chấp nhận đối mặt với hiện thực, tìm cách khai thác hiện thực để cải thiện công việc, tạo thêm giá trị, mang lại thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Những chia sẻ của TS rất hữu ích đối với GDMN và phần nào trả lời cho câu hỏi: Khi công nghệ thông tin phát triển, AI ngày càng tiến bộ ảnh hưởng như thế nào đến trẻ lứa tuổi mầm non. Qua bài báo cáo, các nhà GDMN có thể cùng nhau suy nghĩ để khai thác AI theo 2 hướng: Một là, AI là nội dung để trẻ khám phá, tìm hiểu nhằm đáp ứng chương trình GDMN mới (đang thử nghiệm) ở lĩnh vực Khoa học và công nghệ, đây là cơ hội để trẻ bộc lộ sự quan tâm, khả năng về khoa học, giúp cha mẹ và các nhà giáo dục phát hiện và bồi dưỡng đam mê khoa học cho trẻ. Hai là, sử dụng AI để giải quyết các công việc tại các cơ sở giáo dục mầm non nhằm làm cho hiệu quả của công việc được tốt  hơn.

* Báo cáo 4: “Kết quả thực hiện chiến lược khoa học công nghệ của Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương giai đoạn 2013-2023 và định hướng giai đoạn 2024-2034” do TS. Trịnh Văn Tùng - Trưởng phòng KHCN-HTQT - Trường CĐSPTW trình bày


TS. Trịnh Văn Tùng - Trưởng phòng KHCN-HTQT Trường CĐSPTW
trình bày báo cáo “Kết quả thực hiện chiến lược khoa học công nghệ của Trường Cao đẳng
Sư phạm Trung ương giai đoạn 2013-2023 và định hướng giai đoạn 2024-2034”

TS. Trịnh  Văn Tùng - Trưởng phòng KHCN-HTQT tự hào chia sẻ những kết quả đã đạt được của Trường CĐSPTW trong thực hiện chiến lược KHCN 10 năm qua (2013-2022). Đồng thời TS đã đưa ra chiến lược 10 năm tiếp theo đáp ứng xu thế phát triển của xã hội, mang tính khả thi.

Đặc biệt, TS. Phillip - Chuyên gia quản trị Trường mầm non/STEAMMART Công ty cổ phần Dịch vụ Giáo dục Educe Vietnam đã chia sẻ những vấn đề rất thực tế về GDMN Việt nam như:

- Khi làm việc với các trường mầm non, điều mà chúng ta cần quan tâm, lắng nghe, trân trọng tiếng nói từ gia đình, từ những em bé ở trường MN.

- Nền giáo dục của Việt nam không phải trong giai đoạn khủng hoảng mà đang trong giai đoạn chuyển giao.

- Tại Hội thảo này đã hội tụ được đại biểu đến từ các đơn vị khác nhau từ Bắc vào Nam. Lúc này hãy tận dụng để tạo cơ hội kết nối, tìm tiếng nói chung để đi đến thống nhất trong công việc để tạo sự chuyển tiếp, kết nối hiệu quả. Cần xây dựng chế tài, để không chỉ các trường mà cả các doanh nghiệp, hệ thống các trường mầm non cùng cam kết thực hiện.

    Đối với chủ doanh nghiệp làm việc về lĩnh vực GDMN hay chủ trường không phải là người có chuyên môn về GDMN, vậy chúng ta cần có giải pháp để hỗ trợ họ khi họ khi tham gia và lĩnh vực GDMN. Nhiều nhà quản lí ko có chuyên môn về giáo dục mầm non, họ không xứng đáng đưa ra quyết định ở rường mầm non, như thế mới tốt cho trẻ. Nên nếu chúng ta có kết nối tốt từ Hội thảo như thế này sẽ đào thải bớt những đối tượng như vậy và thúc đẩy chất lượng của GDMN.

TS.Phillip gợi ý: Các vị đại biểu có mặt tại Hội thảo hãy đặt câu hỏi “Với vị trí của mình, mình sẽ làm gì, có đóng góp gì cho GDMN?”


TS.Phillip - Chuyên gia quản trị Trường mầm non/STEAMMART - Công ty cổ phần
Dịch vụ Giáo dục Educe Vietnam
chia sẻ tại Hội thảo

Có thể khẳng định rằng, Chiến lược KHCN- HTQT giai đoạn 2013-2023 đã được Nhà trường triển khai và thực hiện hiệu quả, góp phần khẳng định vai trò, tầm quan trọng của hoạt động KHCN-HTQT trong sự phát triển chung của Nhà trường. Những năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển, phát huy hiệu quả thiết thực và tạo được gắn kết chặt chẽ với công tác đào tạo của các ngành học.

Cụ thể trong 10 năm qua, Nhà trường đã kí kết được 20 biên bản hợp tác với các đối tác quốc tế là các trường đại học, các tổ chức giáo dục quốc tế gồm: Trường Ðại học Tổng hợp Zealand - Ðan Mạch (UCZ), tổ chức SIF (Singapore), Ðại học Tổng hợp Copenhagen - Ðan Mạch (UCC), Ðại học Artevelde - Bỉ, Tổ chức Mầm non Quốc tế Newcastle-Úc, Ðại học Bắc Ðan Mạch (UCN), Đại học Oulu Phần Lan, Đại học Nam Đan Mạch (UCSYD), Đại học Graz Áo, Đại học Khoa học và Công nghệ Pingtung Đài Loan, …

Đến nay, Nhà trường đã tham gia 9 dự án quốc tế: Dự án tăng cường năng lực với tổ chức SIF lần thứ nhất với tên gọi "Tăng cường kiến thức, kĩ năng cho đội ngũ cán bộ giảng viên trong Nhà trường về vai trò của Giáo dục mầm non trong thời đại mới"; Dự án tăng cường năng lực với tổ chức SIF lần thứ hai: với tên gọi "Nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ giảng viên và giáo viên nòng cốt trong trị liệu hoạt động cho trẻ khuyết tật"; Dự án phối hợp nghiên cứu với đại học Victoria - Úc, với tên gọi "Phối hợp nghiên cứu về ngôn ngữ liên văn hóa"; Sáng kiến phương Nam (Wanda); Nghiên cứu giao thoa văn hóa trong lĩnh vực cho trẻ mầm non làm quen với Toán; Thử nghiệm “Chương trình Đàn cá; Trao đổi giảng viên Trị liệu tâm vận động giữa Trường Đại học Copenhagen và Khoa Giáo dục đặc biệt Trường CĐSPTW; Phòng chống bạo lực trẻ em; Học tập cho mọi trẻ em.

Có thể nói, Hợp tác quốc tế đã từng bước góp phần quan trọng trong việc xây dựng và bồi dưỡng năng lực giảng dạy và nghiên cứu của đội ngũ cán bộ giảng viên Trường CĐSPTW; đồng thời, khẳng định vị thế của mình trong quan hệ hợp tác với các trường cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế.

NCE - tháng 7/2023

Thông tin website

TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM TRUNG ƯƠNG
+ Cơ quan chủ quản: Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
+ Giấy phép số 39/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21/08/2015.
+ Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS Trần Đình Tuấn.

Địa chỉ: 387 Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy - Hà Nội.
Điện thoại: (04) 37564230 - (04) 37914850.
Email: cdsptw@cdsptw.edu.vn; nce@cdsptw.edu.vn
Website: http://www.cdsptw.edu.vn

Ghi rõ nguồn "CDSPTW.EDU.VN" khi phát hành lại thông tin từ website này.