PHÒNG THÔNG TIN - TRUYỀN THÔNG
(NCE) - Thực hiện Kế hoạch số 673-QĐ/CĐSPTW, ngày 04/10/2019 của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (CĐSPTW) về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu các chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhằm phát triển các chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về Giáo dục Mầm non, Giáo dục Đặc biệt đáp ứng yêu cầu của các cơ sở Giáo dục Mầm non tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước.
Nhằm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về trị liệu bằng Âm nhạc và can thiệp sớm đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ, Chiều ngày 08/10/2019, Trường CĐSPTW đã tổ chức nghiệm thu chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, Đề tài: “Trị liệu âm nhạc và can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ”. Chương trình giúp người học lĩnh hội được những kiến thức, kỹ năng cơ bản về trị liệu âm nhạc và can thiệp sớm đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Với các hoạt động trong quá trình tổ chức bồi dưỡng như hoạt động nhóm, nghiên cứu tài liệu và thực hành can thiệp trực tiếp trên trẻ rối loạn phổ tự kỳ, người học có thể sử dụng âm nhạc để tác động và can thiệp, cải thiện những hạn chế nhất là hành vi, khả năng bộc lộ ngôn ngữ qua âm nhạc và tăng cường kĩ năng tương tác của trẻ với người khác.
TS. Lê Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập trình bày sơ lược
Đề tài: “Trị liệu âm nhạc và can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ” tại Hội đồng
Hội đồng thẩm định và nghiệm thu chương trình đã nghe TS. Lê Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập trình bày sơ lược đề tài trước Hội đồng. Sau phần trình bày các cán bộ Phản biện, Ủy viên trong hội đồng đã tập trung vào toàn bộ nội dung đề tài và nhận xét, góp ý chi tiết một số phương pháp về Trị liệu và can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
ThS. Đinh Thanh Huyền - Giảng viên Khoa Nghệ thuật Trường CĐSPTW nhận xét, góp ý
Đề tài: “Trị liệu âm nhạc và can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ”
Điều hành Hội đồng 1 có: PGS.TS. Trần Đình Tuấn - Hiệu trưởng Trường CĐSPTW, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Lê Văn Tạc - Viện Khoa học Giáo dục VN, Ủy viên - Phản biện; ThS. Đinh Thanh Huyền - Giảng viên Khoa Nghệ thuật Trường CĐSPTW, Ủy viên - Phản biện; ThS. Lê Thị Lan Anh - Giảng viên Khoa Nghệ thuật Trường CĐSPTW, Ủy viên; TS. Trịnh Văn Tùng - GĐ Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng kiến thức, Ủy viên; ThS. Phạm Thanh Phương - Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng kiến thức, Ủy viên - Thư ký.
Với mục tiêu sau khóa học, người học sẽ vận dụng được kiến thức vào quá trình kết nối, truyền cảm hứng và cải thiện những hạn chế, khó khăn của trẻ rối loạn phổ tự kỷ thông qua phương tiện âm nhạc, đồng thời sở hữu các kỹ năng thực hành cơ bản trong can thiệp âm nhạc cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, bao gồm đánh giá, thực hiện các chiến lược trị liệu âm nhạc như nhạc cụ phím, nhạc cụ gõ, sử dụng giọng hát, hay các chiến lược ngẫu hứng trong can thiệp âm nhạc, kỹ năng lập kế hoạch, thiết kế các phiên can thiệp và sử dụng âm nhạc để tác động, giáo dục, cải thiện hành vi cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, giúp các trẻ tự tin hòa nhập với cuộc sống.
NCE - Tháng 10/2019