(GDVN) - Đào tạo theo đơn đặt hàng là cách tốt nhất đảm bảo ngân sách sử dụng có hiệu quả; đảm bảo sinh viên sư phạm ra trường có việc làm như công an, quân đội.
Sáng 4/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố các Luật vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Luật quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm:
Sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.
Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục, hoặc công tác không đủ thời gian quy định, phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ.
Ảnh minh họa: Suphamhanoi.edu.vn
Quy định này nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách không phải đóng học phí của học sinh, sinh viên sư phạm quy định tại Luật Giáo dục hiện hành. Thời hạn hoàn trả, tối đa bằng thời gian đào tạo. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí.
Thông tin này là niềm vui của những học sinh có ước mơ làm thầy giáo. Thế nhưng vấn đề đặt ra, nếu sinh viên sư phạm tốt nghiệp, nhưng thất nghiệp vì không được tuyển dụng vào ngành giáo dục; dù những sinh viên này muốn đi dạy; trường hợp này, có buộc bồi hoàn kinh phí không?
Hoặc giả thiết, sinh viên sư phạm ra trường, vào dạy trong các trường tư, trung tâm bồi dưỡng văn hóa, dạy kèm, gia sư v.v…; có được coi là công tác trong ngành giáo dục, không phải bồi hoàn kinh phí đào tạo?
Chính sách với sinh viên sư phạm có nét tương đồng với sinh viên cử tuyển; thực tế không ít sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp đã không được nhận vào công tác trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, dù đó là mong muốn của họ.
Ngân sách nhà nước đã bỏ ra số tiền không nhỏ để “nuôi” loại hình đào tạo này; thế nhưng sinh viên ra trường không có việc làm, góp phần vào đội ngũ cử nhân thất nghiệp không nhỏ.
Vì thế, muốn đảm bảo nguồn nhân lực cho giáo dục; tiền ngân sách sử dụng có hiệu quả, các chỉ tiêu đào tạo sư phạm phải gắn liền địa chỉ tuyển dụng; đào tạo theo đơn đặt hàng.
Muốn vậy, công tác dự báo nhân lực ở các địa phương phải chính xác, ít nhất cho ba năm với bậc học mầm non, tiểu học; bốn năm cho bậc học phổ thông.
Công tác quản lý cũng phải theo kịp thời đại; mỗi người dân đã có một mã số căn cước riêng; nếu sinh viên sư phạm “bùng” hợp đồng; dù làm việc gì, ở đâu cũng phải bị cấn trừ thu nhập. bồi hoàn kinh phí cho nhà nước.
Đào tạo theo đơn đặt hàng là cách tốt nhất đảm bảo ngân sách sử dụng có hiệu quả; đảm bảo sinh viên sư phạm ra trường có việc làm như công an, quân đội.
Đào tạo giáo viên, đáp ứng “chuẩn” cao nhất của bậc học. Giáo viên ra trường có trình độ đáp ứng đầy đủ các chứng chỉ, bằng cấp mà ngành quy định ở hạng thấp nhất; đảm bảo giáo viên ra trường, không phải học chứng chỉ nghề nghiệp, để giữ hạng.
Phương thức đào tạo có địa chỉ đầu ra, góp phần nâng cao vị thế nghề giáo, giúp tuyển chọn được học sinh giỏi vào nghề sư phạm; góp phần xóa bỏ lời nguyền “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Luật đi vào cuộc sống, có giá trị phát triển kinh tế, xã hội, đem lại hạnh phúc cho con người; đó là đỉnh cao của luật pháp.
Sơn Quang Huyến
Nguồn: giaoduc.net.vn