Sự kiện

moet.gov.vn - Thiết lập cơ chế để thúc đẩy hợp tác sâu rộng giáo dục Việt Nam- Liên bang Nga

29 Tháng Năm 2019          4144 lượt xem

28/05/2019

65 Hiệu trưởng các trường Đại học của Việt Nam và Liên Bang Nga sẽ cùng thảo luận, đề xuất và thiết lập cơ chế hợp tác sâu rộng về giáo dục đại học, từ đó tạo nền tảng để xiết chặt mối quan hệ giữa nền giáo dục hai quốc gia tại Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam – Liên Bang Nga lần thứ nhất tại Hà Nội.

https://moet.gov.vn/content/tintuc/PublishingImages/AnhTinBai/Tin%20Tong%20Hop/su%20kien%20249_2852019.jpg?RenditionID=1
Thứ trưởng Lê Hải An và Thứ trưởngMedvedev A.M chứng kiến lễ ký kết giữa các trường đại học hai nước

Hợp tác về giáo dục là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam – Liên Bang Nga

Chiều ngày 28/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên Bang Nga đã đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam – Liên Bang Nga 2019.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đại diện cho Bộ GD&ĐT Việt Nam, Thứ trưởng Lê Hải An đã khẳng định “Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo chính là cầu nối quan trọng góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác lâu bền giữa hai quốc gia, làm sâu sắc thêm tình đoàn kết giữa 2 dân tộc và nhân dân hai nước”.

“Trong mối quan quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và LB Nga thì hợp tác về giáo dục và đào tạo chính là điểm sáng và Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam – Liên Bang Nga chính là điểm nhấn trong các hoạt động của Năm hợp tác Việt Nam-Liên Bang Nga 2019 – 2020”.

Điểm sáng này thể hiện qua những kết quả hợp tác tốt đẹp, hiệu quả mà giáo dục hai nước đạt được trong những năm gần đây. Từ năm 2015 tới nay, số lượng học bổng Liên bang Nga cấp cho công dân Việt Nam tăng dần hàng năm và đã tăng đáng kể, từ 795 học bổng lên 965 học bổng (vào 2019). Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục (CSGD) đại học của Việt Nam luôn sẵn sàng tiếp nhận và đào tạo lưu học sinh Liên bang Nga trong khuôn khổ Hiệp định. Đến nay đã có hơn 250 sinh viên và giáo viên Nga sang thực tập tiếng Việt tại Việt Nam, trong đó, khoảng 35 sinh viên học toàn khóa đại học và 5 sinh viên học các chương trình sau đại học theo diện học bổng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học hoặc các chương trình hợp tác giữa hai nước.

Trong số gần 50 nước tiếp nhận lưu học sinh diện Hiệp định và Ngân sách nhà nước, Liên bang Nga là quốc gia mà Việt Nam cử số lượng sinh viên và cán bộ sang học tập và nghiên cứu nhiều nhất (hiện nay khoảng 3.000 người). Bên cạnh đó, số lượng lưu học sinh Việt Nam du học theo diện tự túc kinh phí tại Liên bang Nga ngày càng tăng. Hiện có hơn 5.000 lưu học sinh Việt Nam học tự túc tại Liên bang Nga.

Ngoài ra, hợp tác giữa các CSGD hai nước cũng có nhiều hoạt động đáng chú ý, như: thực hiện một số đề án liên kết hợp tác đào tạo do Bộ GDĐT phê duyệt và cấp kinh phí; tổ chức các kỳ thi Olympic tiếng Nga cho sinh viên và học sinh Việt Nam; Trung tâm Văn hóa và Khoa học Nga tại Hà Nội tổ chức thi Olympic Toán học, Vật lý và Tin học cho học sinh các trường phổ thông để chọn học sinh xuất sắc được nhận học bổng đi học đại học diện Hiệp định tại Liên bang Nga; Tổ chức nghiên cứu, giảng dạy tiếng Nga, bồi dưỡng giáo viên tiếng Nga cho Việt Nam…

Triển khai hơn hiệu quả nữa cam kết về giáo dục giữa hai nước

Đánh giá về triển vọng hợp tác giáo dục của hai nước, Thứ trưởng Lê Hải An nhận định: “Tôi nhận thấy rất nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác trong giáo dục đào tạo mà hai nước cần tiếp tục mở rộng và khai thác”.

Trên nền tảng hợp tác tốt đẹp về giáo dục đã có, để hợp tác giáo dục giữa hai nước đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới Thứ trưởng Lê Hải An đã đề nghị 65 vị Hiệu trưởng tham gia Diễn đàn này tập trung trao đổi, thảo luận về 5 nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường các chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của LB Nga và Việt Nam, trong đó ưu tiên các lĩnh vực mà LB Nga có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầunhư năng lượng, công nghệ thông tin, luật, giao thông, kinh tế - quản lý, nông nghiệp, nghiên cứu về biển, thủy sản, và môi trường.

Thứ hai, đẩy mạnh trao đổi sinh viênthông qua việc các cơ sở giáo dục đại học của 2 nước, đồng thời công nhận tín chỉ và văn bằng của nhau.

Thứ ba,tăng cường trao đổi giảng viên thông qua việc sử dụng hiệu quảchương trình học bổng hiệp định đã ký kếtgiữa 2 Chính phủ.

Thứ tư, hình thành các nhóm nghiên cứu quốc tế xuất sắcvới sự tham gia của giảng viên, nhà khoa học của 2 nước trong đó có việc đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, phối hợp nghiên cứu vàcông bố khoa học. Chủ động kết nối với doanh nghiệp để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.

Thứ năm, cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác đã ký bằng các kế hoạch chi tiết đảm bảo tính thiết thực, khả thi và đạt được hiệu quả cao nhất. Định kỳ rà soát, đánh giá tình hình triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký.

Thứ trưởng cũng cam kết “Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga để hỗ trợ các CSGD đại học hai bên triển khai hiệu quả thỏa các thuận hợp tác”.

Dự kiến sau Diễn đàn, một Mạng lưới CSGD đại học Việt Nam - LB Nga sẽ được thiết lập. Đây cũng là cơ sở để đẩy mạnh các hoạt động hợp tác cụ thể, thiết thực, hai bên cùng có lợi. Qua đó, sẽ góp phần cụ thể hoá và triển khai hiệu quả hơn nữa các cam kết hợp tác về giáo dục và đào tạo đã được ký kết giữa hai nước./.

Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam - LB Nga lần này có sự tham dự của 30 cơ sở giáo dục giáo dục LB Nga và 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Ngoài 90 văn bản hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học hai nước đã ký kết còn hiệu lực, có 16 văn bản hợp tác được ký mới ngay tại Diễn đàn lần này với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học LB Nga Medvedev A.M và Ngài Konstantin Vasilievich Vnukov, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam

 

 

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Nguồn: moet.gov.vn

Thông tin website

TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM TRUNG ƯƠNG
+ Cơ quan chủ quản: Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
+ Giấy phép số 39/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21/08/2015.
+ Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS Trần Đình Tuấn.

Địa chỉ: 387 Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy - Hà Nội.
Điện thoại: (024) 37564230.
Email: cdsptw@cdsptw.edu.vn; nce@cdsptw.edu.vn
Website: http://www.cdsptw.edu.vn

Ghi rõ nguồn "CDSPTW.EDU.VN" khi phát hành lại thông tin từ website này.