ThS. Lê Thị Huyến
Khoa Xã hội và Nhân văn
Đối với Việt Nam, bắt nguồn từ văn hóa, truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt, có thể thấy gốc dễ của công tác xã hội ở nước ta cũng có từ rất lâu đời. Tuy nhiên, để nhìn nhận dưới góc độ Công tác xã hội là một khoa học ứng dụng, một ngành đào tạo, một nghề chuyên nghiệp trong xã hội thì chỉ trong khoảng chục năm gần đây. So với nhiều nước trên thế giới có nghề Công tác xã hội phát triển hàng trăm năm, Công tác xã hội ở nước ta là một ngành, một nghề mới và còn non trẻ. Tuy nhiên, nó là nhu cầu thiết yếu của xã hội, nó đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc tham gia giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như: tình trạng đói nghèo, tệ nạn ma túy, đại dịch HIV/AIDS, dịch bệnh, bão lũ, người già cô neo đơn, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình tan vỡ, trẻ em bị sao nhãng và bị xâm hại …
Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tự hào là một trong số ít các trường đầu tiên trong cả nước (2004) có đào tạo ngành Công tác xã hội và hiện nay hàng năm vẫn đang tiếp tục cùng gần 40 trường Đại học, Cao đẳng đóng góp đội ngũ nhân viên công tác xã hội cho xã hội. Khi ra trường, các nhân viên Công tác xã hội có thể làm việc trong các cơ quan Nhà nước về an sinh xã hội, các Trung tâm Công tác xã hội cấp quận, huyện; các tổ chức phi Chính phủ và tư nhân cung cấp dịch vụ về Công tác xã hội; các trường học từ cấp mầm non đến đại học; các trung tâm y tế cộng đồng, các bệnh viện, các toà án, các nhà tù và cơ sở giam giữ, các trường giáo dưỡng…Sự phát triển nhanh chóng về số lượng các trường đạo tạo ngành Công tác xã hội trong những năm qua phản ánh nhu cầu thực tiễn về nhân viên công tác xã hội của đất nước. Theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy có tới hơn 20% dân số Việt Nam có nhu cầu cung cấp các dịch vụ Công tác xã hội. Điều này cho thấy nước ta đang cần một số lượng lớn nhân viên Công tác xã hội có trình độ.
Ngày 15 tháng 9 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày 25 tháng 3 hằng năm là "Ngày Công tác xã hội Việt Nam”. Quyết định này là sự ghi nhận vai trò to lớn của nghề Công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu vào ngày này hằng năm Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương sẽ thực hiện các hoạt động với mục đích sau:
(1) Tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề Công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm Công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân;
(2) Phát huy truyền thống "Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam;
(3) Thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm Công tác xã hội.
Nhằm hướng đến chào mừng ngày “Công tác Xã hội Việt Nam 25/3” năm nay, cán bộ, giảng viên và sinh viên ngành Công tác xã hội ở Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương vui mừng, phấn khởi tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Tổ chức các buổi Hội thảo, bồi dưỡng chuyên đề về Công tác xã hội, Tổ chức những đợt rèn luyện tay nghề, chuyên môn tại Làng trẻ SOS Hà Nội, Tổ chức Rồng Xanh, Trung tâm Nghị Lực Sống, Trường Mầm non Thực hành Hoa Hồng, Tổ chức những buổi tình nguyện thăm hỏi những hoàn cảnh khó khăn tại các xã và bệnh viện cũng như tham gia bảo vệ môi trường …
Một số sinh viên ngành Công tác xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương
tham gia vận động quyên góp sách cho thư viện sách tại Trung tâm Nghị Lực Sống
Sinh viên Công tác xã hội, TTrường Cao đẳng Sư phạm Trung ương
tặng quà cho gia đình khó khăn tại tỉnh Hòa Bình
Sinh viên Công tác xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương
thực tập Phương pháp Phát triển Cộng đồng tại tỉnh Hoà Bình
Giảng viên, cán bộ địa phương và sinh viên vui mừng tại Hội nghị tổng kết
đợt thực tập của sinh viên tại cộng dồng
Có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước ta đang rất quan tâm và tạo điều kiện để phát triển nghề Công tác xã hội. Ở Việt Nam, Công tác xã hội là một nghề đang phát triển và sẽ là phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần. Nó là tất yếu khách quan, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh những hạn chế của xã hội, hướng tới xây dựng một xã hội ngày càng tiến bộ, công bằng và văn minh hơn. Chúng ta cũng đang có Dự thảo về Luật Công tác xã hội và trong tương lai không xa Luật Công tác xã hội sẽ được ban hành. Đây sẽ là một bước tiến cực kỳ quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho nghề Công tác xã hội ở Việt Nam phát triển trong những năm tới.