TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC HÒA NHẬP
NCE Năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022 do tình hình dịch Covid -19 kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh trong cả nước, đặc biệt là học sinh khuyết tật. Nhiều cơ sở giáo dục học sinh khuyết tật còn lúng túng, chưa tìm được cách tiếp cận dạy học đảm bảo cân bằng giữa an toàn sức khỏe và học tập. Trước thách thức đó, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương ngay từ đợt bùng phát dịch Covid -19 đầu tiên, với quyết tâm không để dịch bệnh làm ngừng cơ hội được học tập của học sinh, tập thể giáo viên đã nhanh chóng cập nhật ứng dụng công nghệ vào dạy học online cho gần 200 học sinh điếc học tập từ lớp 1 đến lớp 12. Sự chủ động đó đã giúp cho học sinh điếc dù trải qua nhiều đợt bùng phát dịch kéo dài, nhưng các em luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của giáo viên trong từng tiết dạy học online để hoàn thành tốt nhất chương trình học tập.
Để chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến và khẳng định những hiệu quả của dạy học trực tuyến đối với học sinh điếc, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đã chia sẻ các giờ dạy trực tuyến và kinh nghiệm ứng dụng các phần mềm vào thiết kế bài học online hiệu quả cho học sinh điếc với sự tham gia của các thành viên từ Hiệp hội vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA), Trung tâm nghiên cứu văn hóa và giáo dục Điếc của Trường Đại học Đồng Nai, Trung tâm giáo dục người điếc DCS-Thành phố Đà Nẵng, Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi và trẻ em tàn tật Việt Trì, lớp giáo dục học sinh điếc C5-TP Hà Nội, các giáo viên là người Điếc đến từ các cơ sở giáo dục và các câu lạc bộ người Điếc.
Trong tháng 10, Trung tâm đã chia sẻ 03 tiết dạy online cho học sinh điếc. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Anh - giáo viên lớp 2A giảng dạy tiết tiếng Việt “Ngày hôm qua đâu rồi?” và tiết toán “Tia số. Số liền trước, số liền sau”. Các tiết học diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham dự đông đảo của giáo viên, phụ huynh, học sinh điếc trong cả nước.
Tiết dạy online cho học sinh điếc của cô Nguyễn Thị Ngọc Anh - Giáo viên lớp 2A học sinh điếc
Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục Hòa nhập - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương
Cô Hoàng Thu Hiền - giáo viên lớp 4A - tiết dạy Luyện từ và câu: Danh từ chung và danh từ riêng. Tiết học này đã được phát trực tiếp qua facebook VAEFA: https://www. Facebook.com/vaefa.2015/ và thu hút đông đảo sự quan tâm của giáo viên, phụ huynh và học sinh điếc trong cả nước.
Tiết dạy Tiếng Việt lớp 4 của Thạc sĩ Hoàng Thu Hiền - Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục
Hòa nhập đã thu hút đông đảo sự quan tâm của giáo viên, phụ huynh và học sinh điếc trong cả nước
Sau tiết dạy là những thảo luận, những chia sẻ về nội dung, phương pháp giảng dạy, những thuận lợi và khó khăn khi dạy học sinh điếc bằng hình thức trực tuyến. Cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi, với sự chia sẻ của nhiều giáo viên là người điếc, người nghe nói đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc giảng dạy, am hiểu đặc điểm tâm lý, nhận thức và văn hóa học sinh điếc.
Liên tục trong chuỗi hoạt động này, ngày 23/10/2021, Ths. Hoàng Thu Hiền và Ths. Tạ Thị Nhàn - Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục Hòa nhập - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đã chia sẻ chuyên môn “Dạy học trực tuyến - kĩ thuật và phương pháp” thông qua ứng dụng Zoom Meeting. Ngoài sự tham gia của toàn thể giáo viên đang công tác tại Trung tâm, buổi chia sẻ còn nhận được sự tham gia đặc biệt của gần 40 thành viên từ các cơ sở giáo dục nói trên.
Thạc sĩ Hoàng Thu Hiền - Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục Hòa nhập
chia sẻ về Ứng dụng CNTT trong dạy học trực tuyến (03 hình trên)
Thạc sĩ Tạ Thị Nhàn - Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục Hòa nhập
Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ chuyên môn
“Dạy học trực tuyến - kĩ thuật và phương pháp” (03 hình trên)
Buổi chia sẻ là những thông tin hết sức hữu ích, giúp các thành phần tham gia có cái nhìn toàn diện, rõ nét hơn về lựa chọn công cụ, các phần mềm và kĩ thuật công nghệ trong thiết kế giáo án điện thử và khai thác các công cụ phần mềm hữu ích trong dạy học online cho học sinh điếc.
Các đại biểu tham dự cũng được trải nghiệm kĩ thuật ứng dụng nhiều nội dung cụ thể trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế bài tập, câu hỏi, xây dựng video, đóng gói học liệu điện tử và đưa học liệu lên LMS phục vụ giảng dạy trực tuyến hiệu quả nhất.
Có thể khẳng định sự tiên phong đi đầu, kinh nghiệm và khả năng cập nhật, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến của giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là một minh chứng về khả năng ứng phó linh hoạt trong dạy học trong các điều kiện khó khăn để đem lại hiệu quả học tập có chất lượng cho học sinh điếc. Đồng thời, Trung tâm đã làm tốt sứ mệnh là đơn vị hàng đầu về giáo dục đa cấp học trong cả nước, chia sẻ kinh nghiệm thiết thực trong dạy học sinh khuyết tật, đặc biệt là dạy học học sinh Điếc và hỗ trợ giáo viên, các cơ sở giáo dục trong cả nước để thực hiện mục tiêu đảm bảo cơ hội được hưởng giáo dục công bằng, chất lượng và phù hợp cho học sinh khuyết tật Việt Nam.
Với hai hoạt động trong khuôn khổ trao đổi chuyên môn về dạy học online và ứng dụng công nghệ trong dạy học giữa các cơ sở dạy trẻ điếc toàn quốc, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục Hòa nhập - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đã không ngừng nỗ lực trong vai trò là đơn vị tiên phong, sẵn sàng kết nối, đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ các cơ sở giáo dục dạy học sinh khuyết tật nói chung và học sinh điếc nói riêng trên khắp cả nước.
Đại diện đến từ tổ chức VAEFA, các đơn vị, giảng viên, giáo viên tham dự
chụp ảnh lưu niệm sau buổi chia sẻ
Một số hình ảnh tại buổi chia sẻ
Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục Hòa nhập - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chân thành cảm ơn Hiệp hội vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA), Trung tâm nghiên cứu văn hóa và giáo dục Điếc của Trường Đại học Đồng Nai, Trung tâm giáo dục người điếc DCS- Thành phố Đà Nẵng, Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi và trẻ em tàn tật Việt Trì, lớp giáo dục học sinh điếc C5- TP Hà Nội, các giáo viên là người Điếc đến từ các cơ sở giáo dục và các câu lạc bộ người Điếc đã dành thời gian tham dự và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích cho các hoạt động của Trung tâm.
PHÒNG THÔNG TIN - TRUYỀN THÔNG
NCE - tháng 10/2021