24/09/2023 13:30 (GMT+7)
GD&TĐ - Chương trình giáo dục mầm non hiện hành đã thể hiện sự quan trọng của tính liên thông trong nội dung, trẻ 5 tuổi cần sẵn sàng tâm thế vào lớp Một.
Đào tạo giáo viên mầm non và yêu cầu đặt ra liên thông với tiểu học.
Cần thiết phải liên thông
Theo TS Nguyễn Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương, liên thông chương trình giáo dục mầm non (GDMN) và tiểu học là vô cùng quan trọng có yếu tố quyết định chất lượng để trẻ mầm non bước vào lớp một. Các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đều nhấn mạnh việc này và khẳng định đảm bảo sự liên thông giữa chương trình GDMN với Chương trình giáo dục tiểu học. Chương trình GDMN và Chương trình GDPT 2018 cũng thể hiện rõ tính liên thông này so với các chương trình trước.
Thực tế đào tạo giáo viên mầm non tại Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương đều thể hiện rõ ý nghĩa quan trọng của việc liên thông này. Nhà trường đã đặt ra yêu cầu đối với việc xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo gắn yêu cầu về năng lực đối với giáo viên (GV) đáp ứng thực tiễn đổi mới chương trình giáo dục. Việc đào tạo GV mầm non luôn gắn với chương trình đào tạo đồng thời đáp ứng được yêu cầu về tính liên thông và tính mới của thực tiễn đào tạo giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu.
Trẻ mầm non 5 tuổi cần được trang bị đủ kiến thức sẵn sàng bước vào lớp một.
Các hoạt động đào tạo GV mầm non của Nhà trường luôn tính đến yếu tố liên thông trong xây dựng và triển khai chương trình GDMN và giáo dục tiểu học. Đặc biệt, trong bối cảnh áp dụng Chương trình GDMN mới và Chương trình GDPT 2018, yêu cầu chất lượng đặt ra là cần phải đảm bảo sự liên thông, kết nối này giúp chuẩn bị cho trẻ một hành trang vững chắc, trẻ được phát triển nhân cách toàn diện, hài hòa, cân đối giúp trẻ tự tin, sẵn sàng bước vào lớp một.
Những đổi mới mang tính đột phá có tính chiều sâu về nội dung, cách thức xây dựng hoạt động dạy học và triển khai các hoạt động nuôi dưỡng – chăm sóc – giáo dục trẻ được chú trọng. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, gắn đào tạo với thực tế. Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương có 3 trường mầm non thực hành tại trung tâm Tp Hà Nội. Đây là những cơ sở giáo dục chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non chất lượng cao. Đồng thời cũng là địa chỉ để triển khai thí điểm các nội dung đổi mới GDMN, là nơi giáo sinh nhà trường đến thực hành, thực tập nghề.
Đào tạo đáp ứng thực tế
TS Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: Để đảm bảo nội dung chương trình đào tạo GV mầm non đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nhà trường đã tăng cường các học phần liên quan đến GD kết hợp như: Giáo dục STEM/ STEAM, Montessori, Reggio Emilia… dạy học theo dự án, hoạt động trải nghiệm sáng tạo… nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đổi mới của Chương trình GDMN hiện hành và Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt chú trọng các nội dung có liên quan đến giáo dục khoa học và công nghệ cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học.
Các trường mầm non thực hành của Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương
nơi thực hành cho giáo sinh
Thông qua thực hiện các Đề án, Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương cũng tổ chức các Hội thảo chuyên đề, yêu cầu giảng viên xây dựng đề cương các học phần liên quan nội dung, cách tiếp cận mới. Tăng cường cho sinh viên trao đổi – thảo luận, phân tích - so sánh mục tiêu - nội dung - phương pháp giáo dục khoa học cho trẻ trong chương trình giáo dục để chỉ ra tính liên thông giữa các độ tuổi, cấp học. Tập trung vào các hoạt động khảo sát thực tế xây dựng và triển khai chương trình giáo dục khoa học cho trẻ ở trường mầm non và tiểu học.
Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hành Kiến tập, Thực tập Sư phạm cho sinh viên, các giảng viên cũng tăng cường thời lượng thực hành - tập dạy, liên hệ các trường mầm non/tiểu học để dự giờ, hướng dẫn trực tiếp trên trẻ/học sinh. Các hoạt động ngoại khóa, hội thi, seminar chuyên môn giúp sinh viên được tham gia. Việc này đã cung cấp thêm những kinh nghiệm thực tế, bổ sung về kiến thức, kỹ năng và sự tự tin của GV mầm non, để GV hiểu hơn về thực tế cần thiết liên thông mầm non với lớp một.
Hà An
(Nguồn: Báo Giáo dục Thời đại)