NCE Nhằm bồi dưỡng tri thức, phát huy tính sáng tạo, tài năng của học sinh điếc đồng thời tạo sân chơi học thuật và văn nghệ nhân kỷ niệm tháng thanh niên, sáng 28/3 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đã tổ chức cuộc thi "Sắc màu học sinh điếc 2025".
Cuộc thi được chia thành hai phần: Giải mã ngôn ngữ và Sân khấu hóa tác phẩm văn học. Tham gia cuộc thi có 6 đội đến từ các lớp 5A, 6A, 7A, 9A, 10A, 11A và 12A.
Trong phần thi Giải mã ngôn ngữ, mỗi đội thi gồm 5 học sinh tham gia trả lời câu hỏi. Ban tổ chức đưa ra 6 hình ảnh, video về các sự vật, hiện tượng khoa học có thể biểu đạt bằng một từ khóa liên quan đến chủ đề môi trường. Mỗi câu hỏi, các đội thi có thời gian 1 phút suy nghĩ và khi hết thời gian tất cả các đội cùng đưa đáp án bằng cách viết ra từ khóa đó. Đây là một thử thách không chỉ đòi hỏi khả năng tư duy khoa học mà còn cần vốn ngôn ngữ và hiểu biết xã hội sâu rộng. Với thông điệp của Ngày Trái đất 2025 "Chuyển dịch xanh, tương lai xanh", phần thi Giải mã ngôn ngữ đã góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh điếc về sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới một Trái đất xanh sạch đẹp.
Sau những giây phút căng thẳng và đầy thử thách của phần thi đầu tiên, toàn thể thầy cô và các bạn học sinh đã được đắm mình vào không gian văn hóa sống động thông qua những tác phẩm văn học được sân khấu hóa bởi các diễn viên tài năng. Cuộc thi "Sắc màu học sinh điếc 2025" không chỉ là một sân chơi học thuật, mà còn là dịp để các em học sinh điếc thể hiện khả năng diễn xuất đầy sáng tạo. Những tác phẩm văn học đa dạng thuộc nhiều thể loại đã được các đội thi lựa chọn, đem lại một bức tranh văn học Việt Nam phong phú.
Từ những tác phẩm văn học dân gian quen thuộc như "Sơn Tinh Thủy Tinh", "Cây khế", cho đến những tác phẩm văn học Trung đại nổi tiếng như "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" đều đã khiến khán giả không thể rời mắt. Bên cạnh đó, các tác phẩm văn học hiện đại như "Tức nước vỡ bờ", "Chí Phèo", và "Vợ nhặt" cũng được các em thể hiện với nhiều cảm xúc và sự nhập vai tuyệt vời, làm sống lại những hình ảnh và tình tiết trong những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam.
Dường như dòng chảy văn học Việt Nam đã được tái hiện sinh động trên sân khấu, mang lại cho người xem trải nghiệm đầy cảm xúc và ý nghĩa. Các đội thi không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong cách dựng sân khấu, hóa trang nhân vật mà còn cho thấy khả năng hiểu biết sâu sắc về các tác phẩm, từ đó truyền tải được thông điệp sâu xa mà các tác phẩm văn học muốn gửi gắm.
Kết thúc cuộc thi, giải nhất thuộc về đội lớp 5 và lớp 12, giải nhì thuộc về đội lớp 6, và đội lớp 7 đạt giải ba. Thông qua cuộc thi, học sinh điếc không chỉ bồi dưỡng được khả năng tư duy, sáng tạo mà còn thể hiện sự tự tin và bản lĩnh trong việc thể hiện các giá trị văn hóa và giáo dục qua nghệ thuật.
Cuộc thi đã thực sự trở thành một không gian giao lưu, học hỏi và tôn vinh tài năng, góp phần khẳng định vị trí của học sinh điếc trong cộng đồng và sự quan tâm, chăm sóc của Trung tâm đối với sự phát triển toàn diện của học sinh điếc.
Sau đây là một số hình ảnh trong cuộc thi:

Phần thi Giải mã ngôn ngữ.

Tác phẩm "Vợ nhặt" - Lớp 5A và lớp 12A.

Tác phẩm "Chí Phèo" - Lớp 10A.

Tác phẩm "Tức nước vỡ bờ" - Lớp 11A.

Tác phẩm "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" - Lớp 9A.

Tác phẩm "Cây khế" - Lớp 7A.

Tác phẩm "Sơn Tinh - Thủy Tinh" - Lớp 6A.

Các đội thi nhận giải.

Thầy cô giáo và các em học sinh điếc .
NCE - Tháng 04/2025